CHA MẸ NÊN LÀM GÌ VỚI TIỀN LÌ XÌ CỦA CON ?

Cha mẹ nên làm gì với tiền lì xì của con ?

Tết cổ truyền đang đến, đứa trẻ nào cũng mong được đón Tết vì theo phong tục của dân tộc Việt Nam, trẻ em sẽ được hưởng rất nhiều đặc quyền trong dịp Tết: được mua quần áo mới, được cha mẹ cho đi chợ Tết, được đi chơi xả hơi, thưởng thức những món mình thích, được đi chúc Tết và đặc biệt được nhận tiền lì xì từ gia đình, người thân. EDUFU “để dành” 1 câu nói bất hủ của mẹ trong dịp đặc biệt này “ Đưa tiền LÌ XÌ mẹ giữ hộ cho! ” nhưng thường là chúng ta sẽ không được gặp lại số tiền đó lần nào nữa. Vậy cha mẹ nên làm gì với tiền lì xì của con ?

Ý NGHĨA LÌ XÌ

Tục lệ mừng tuổi đã xuất hiện từ thời xa xưa và đã được bắt nguồn từ Trung Quốc. Lì xì là từ phiên âm của Lợi Thị trong tiếng Trung Quốc, nghĩa là được lợi, có tiền, may mắn. Bắt đầu vào thời khắc giao thừa, người lớn tuổi trong gia đình và khách đến chúc Tết sẽ mừng tuổi cho con trẻ. Ý nghĩa của phong tục này là mừng các con thêm một tuổi mới, khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn, trí tuệ sáng ngời,… không mang nặng ý nghĩa vật chất.

Cha mẹ hãy bớt chút thời gian giải thích ý nghĩa lì xì cho các con để các con biết cách ứng xử khi nhận được lì xì và cảm thấy biết ơn những điều tốt đẹp mình nhận được.

  • Luôn cảm ơn khi nhận được lì xì.
  • Không mở phong bao lì xì ngay sau khi nhận được.
  • Nên nhờ cha mẹ giữ hộ hoặc cất bao lì xì gọn gàng vào túi của mình, không nên để lung tung. Người lì xì sẽ có cảm giác không được trân trọng.
  • Nên chuẩn bị những câu chúc ý nghĩa để cảm ơn những tình cảm tốt đẹp mình nhận được. Năm mới được nghe những lời chúc từ con trẻ, người nào cũng vui vẻ, hân hoan.
Cách con trẻ nên ứng xử khi nhận được lì xì.
Cách con trẻ nên ứng xử khi nhận được lì xì.

LÌ XÌ DƯỚI GÓC NHÌN CỦA CON VÀ CHA MẸ

Theo góc nhìn của con trẻ, tiền lì xì mọi người tặng con là của con và con có toàn quyền sử dụng nó.

Trên thực tế, tiền mừng tuổi là câu chuyện “đồng tiền xoay vòng”. Tiền từ túi cha mẹ lì xì cho trẻ khác, sau đó cha mẹ trẻ đó lì xì lại cho con mình. Theo góc nhìn của cha mẹ, đó là tiền của mình và các con còn nhỏ chưa biết tiêu tiền. Dùng tiền để thỏa mãn các sở thích cá nhân như đồ chơi, bánh kẹo,…như vậy rất lãng phí. Do đó, rất nhiều cha mẹ nghiễm nhiên sử dụng tiền lì xì mà không nói cho con biết.

Nếu nhà bạn cũng đang ở trong tình trạng tương tự thì thử đặt câu hỏi cho con: “ Nếu cha mẹ không lì xì cho những đứa trẻ khác, con có nhận được lì xì từ cha mẹ bạn không?”

Câu hỏi sẽ giúp con ý thức về câu chuyện “ đồng tiền xoay vòng” và là dịp tuyệt vời để cha mẹ dạy con những bài học đầu đời về giá trị đồng tiềncách sử dụng đồng tiền.

Còn cha mẹ hãy tự hỏi mình “ Nếu mình không có con, mình sẽ lì xì những đứa trẻ đó theo truyền thống, hay bỏ qua vì mình sẽ không nhận lại được gì?”.

Cha mẹ nào cũng từng là một đứa trẻ, xin đừng để nỗi ấm ức của mình trở thành nỗi ấm ức của con!

CHA MẸ NÊN LÀM GÌ VỚI TIỀN LÌ XÌ CỦA CON ?

Dạy con tìm hiểu nguồn gốc tiền, cách đồng tiền vận hành và quản lý tiền không chỉ là dạy con một kỹ năng sống mà còn là quá trình truyền tải cách thức sống cho con. Khi con trẻ làm chủ đồng tiền chúng có, chúng cũng sẽ dễ dàng làm chủ cuộc sống của chính mình khi trưởng thành.

EDUFU khuyên bạn nên xem xét ĐỘ TUỔI của con để đưa ra quyết định làm gì với tiền lì xì của con.

Trẻ trong độ tuổi mầm non (3 tuổi – 5 tuổi):

  • Giúp con tìm hiểu mệnh giá tiền.
  • Giúp con tổng kết số tiền lì xì.
  • Vì tuổi này con chưa có nhiều ý thức về sử dụng đồng tiền, nên cha mẹ có thể cân nhắc các phương án: gửi vào tài khoản ngân hàng để sinh lãi, mua bảo hiểm tích luỹ hoặc làm sinh trắc vân tay cho con,…

Trẻ trong độ tuổi tiểu học:

  • Độ tuổi này con đã hiểu hoặc thành thạo các phép toán cơ bản, cha mẹ có thể cùng con thống kê số tiền lì xì của con.
  • Cha mẹ trao đổi, tìm hiểu các nhu cầu hiện tại của con.
  • Cùng con lên kế hoạch và sử dụng số tiền này: có thể chia làm 3 hũ cho các nhu cầu: cá nhân, tiết kiệm dài hạn, cho đi ( từ thiện) hoặc chia làm 6 hũ cho các nhu cầu: thiết yếu, giáo dục, hưởng thụ, cho đi, tự do tài chính và tiết kiệm dài hạn ( với nhóm trẻ lớp 5) tuỳ theo hoàn cảnh và kế hoạch của gia đình mình.

Trẻ từ độ tuổi trung học học cơ sở trở lên (đến 15 tuổi):

  • Cùng con lập kế hoạch quản lý sao cho phù hợp với hoàn cảnh gia đình, nhu cầu của bản thân con. Cha mẹ nên phân tích để con hiểu ngoài sở thích cá nhân của con như thẻ game, đồ ăn, đồ chơi, …thì cha mẹ cũng cần chi tiêu nhiều cho nhu cầu thiết yếu của con như chi phí giáo dục, sách vở, quần áo, đồ dùng học tập,.. và ngoài kia có rất nhiều trường hợp kém may mắn hơn mình để con sẵn lòng chia sẻ và cho đi.
  • Cha mẹ hãy cung cấp thông tinđể con lựa chọn chia số tiền lì xì thành bao nhiêu hũ với tỷ lệ như thế nào để phù hợp với kế hoạch năm mới của con. Hoặc con có thể tham khảo cách triệu phú T.Harv Eker- tác giả cuốn sách “Bí mật tư duy triệu phú” bật mí: Hũ nhu cầu thiết yếu 55%, Hũ giáo dục 10%, Hũ hưởng thụ 10%, Hũ cho đi 5%, Hũ tự do tài chính 10%, Hũ tiết kiệm dài hạn 10%. Hãy thức tỉnh khi con đi lạc lối ở đâu đó cha mẹ nhé!
  • Cha mẹ đừng quên đồng hành cùng con trong quá trình thực hiện kế hoạch này nhé!

 

Edufu khuyên cha mẹ nên xem xét độ tuổi của con để quyết định làm gì với lì xì của con.
Edufu khuyên cha mẹ nên xem xét độ tuổi của con để quyết định làm gì với lì xì của con.

CHA MẸ CÓ BIẾT? THU TIỀN LÌ XÌ CỦA CON SẼ BỊ XỬ PHẠT!

Theo Điều 75, Luật Hôn nhân và Gia đình, trẻ em có quyền có tài sản riêng.

Với trẻ em dưới 06 tuổi, tiền lì xì có thể do cha mẹ giữ nhưng việc sử dụng phải phục vụ cho nhu cầu của trẻ em và cha mẹ không được phép chiếm dụng.

Trẻ em 06 – 15 tuổi có thể giữ tiền mừng tuổi để phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt cá nhân phù hợp với lứa tuổi của mình.Trẻ em chi tiêu số tiền lớn không phải nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân cần có ý kiến của người giám hộ.

Trẻ em từ 15 tuổi trở lên hoàn toàn có quyền cầm giữ toàn bộ số tiền mừng tuổi của mình.

Còn theo Điều 58 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, quy định về hành vi bạo lực kinh tế: “người nào có hành vi chiếm đoạt tài sản riêng của thành viên trong gia đình sẽ bị phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng”.

Như vậy, cha mẹ tự ý lấy tiền lì xì của con (không được con đồng ý) phục vụ cho mục đích khác (không vì lợi ích của con) có thể bị phạt tiền.

Lì xì là niềm vui của con trẻ. Cha mẹ ơi, hãy để niềm vui này được trọn vẹn và ý nghĩa trong năm mới này nhé!

Mời cha mẹ tham khảo món quà Sinh trắc vân tay cho con yêu:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *